Cảm hứng của Wallace Chan
Có lẽ sẽ là điều cấm kỵ khi đặt câu hỏi trên cho một bậc thầy thủ công như Wallace Chan, thế nhưng chắc chắn không phải chỉ một người tò mò về câu trả lời của nhà kim hoàn hàng đầu châu Á. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế tay nghề thủ công của con người? Máy tính có thể trở thành nghệ sĩ? Vài thập kỷ trước đây, người ta dễ dàng khẳng định chắc nịch là “Không”. Nhưng giờ đây, khi chứng kiến sự bùng nổ của khoa học công nghệ, và những cỗ máy phức tạp dần đạt được khả năng nhận thức cấp cao vốn chỉ có ở con người, chúng ta cũng phải hoài nghi lại chính mình, rằng bản thân có phải sắp bị máy móc thay thế trên mọi phương diện hay không?
Thông qua bài phát biểu của mình, ông Chan đã trả lời một số câu hỏi mà các tín đồ xa xỉ phẩm trên toàn cầu đặt ra. Chia sẻ về cảm hứng đằng sau sáng tạo được đánh giá là ấn tượng nhất của mình, Secret Abyss, ông cho biết mình đã phải xem đi xem lại tiết mục ảo thuật thoát khỏi Hộp nước Tra tấn của Harry Houdini. Dựa trên màn trình diễn huyền thoại này, Chan đã tạo nên chiếc vòng cổ bằng cách không thể độc đáo hơn, khi cho 1.111 viên ngọc lục bảo, 211 carat thạch anh tóc vàng và 1 viên kim cương 10 carat vào trong ống có đường kính chỉ 6,5mm.
Việc chế tác món trang sức phức tạp này đã tiêu tốn của Chan hết 10 năm, nhưng đây là điều bình thường trong ngành công nghiệp xa xỉ phẩm, bởi cho dù là chuyên gia hàng đầu đôi khi cũng phải mất vài thập kỷ để gọt dũa, tinh chỉnh nhiều lần mới tạo ra kiệt tác hoàn hảo cuối cùng. Dù biết máy móc có thể làm ra những sản phẩm tương tự với khoảng thời ngắn hơn rất nhiều, nhưng chẳng ai có thể khẳng định chắc chắn rằng người máy sẽ thay thế họ trong tương lai. Giống như chiếc máy tính chơi cờ Deep Blue và “bác sĩ biết tuốt” nhân tạo Watson của IBM, chúng ra đời để khẳng định bước tiến của công nghệ và ứng dụng một phần vào cuộc sống, chứ chưa bao giờ được dành cho mục đích thương mại, hay làm thay nhiệm vụ của các cờ thủ và bác sĩ thật.
Từ cảm hứng đi đến sáng tạo thực sự là một hành trình phức tạp và biến đổi linh hoạt theo ý nghĩ con người mà khó có thuật toán máy tính nào diễn tả chính xác. Máy tính sẽ cho ra đời một hoặc hàng loạt kết quả đã được lập trình trước, nhưng với Chan, mỗi tác phẩm của ông đều độc nhất và không thể dự đoán chính xác cho tới khi ra thành phẩm. Liệu máy tính – một “sinh vật” logic – có thể hiểu những ý nghĩ trong đầu các bậc thầy thủ công này được không?
Để làm sáng tỏ câu hỏi này, ngài Chan đã chỉ rõ sự khác biệt giữa thiết kế và sáng tạo; giữa chức năng và thủ công. Với cấu trúc và quá trình lao động, thiết kế có thể trở thành hiện thực; còn sáng tạo là một nỗ lực vô hình nhưng năng động và rất khó biết được có thành công hay không. Thiết kế là kết quả rút ra từ quá khứ, còn sáng tạo sẽ định hình tương lai. Việc phát họa chỉ gói gọn trong một đoạn mã cố định, còn sáng tạo chưa bao giờ có ranh giới nào. Cái hồn của nghệ thuật là thứ mà máy tính hay người máy khó lòng tạo ra được. Nhìn vào những đường nét tinh xảo đến từng millimet trên kiệt tác Jadeite Cicada của Wallace Chan, không ai có thể phủ nhận sự nỗ lực và kỹ nghệ đỉnh cao của nhà kim hoàn đến từ Hồng Kông. Thế nhưng, nếu đây là thành quả của máy móc, và dễ dàng sản xuất hàng loạt, thì món đồ này có còn giá trị và được trân trọng nữa không? Do đó, không ngoa khi nói thủ công chính là tinh hoa của xa xỉ phẩm.
Linh hồn của sự xa xỉ
Tại Diễn đàn Toàn cầu về Xa xỉ INSEAD diễn ra hồi tháng 11/2017, tiến sĩ Franck Mueller, nhà sáng lập công ty tư vấn Bridge to Luxury, đã nêu bật tầm quan trọng và sự cần thiết của yếu tố thủ công trong ngành công nghiệp xa xỉ. Theo ông, những thương hiệu đánh mất sự tập trung vào nguồn cảm hứng nguyên bản đang rơi vào nguy cơ suy thoái. Việc tín nhiệm quá mức vào Big Data dẫn đến sự trùng lặp thông điệp truyền tải đến cùng một nhóm nhỏ khách hàng. Hơn thế nữa, xu hướng mở rộng danh mục xa xỉ phẩm đang len lỏi vào nhiều nhãn hàng cao cấp. Các thương hiệu đang cố gắng “lấn sân” sang nhiều phân khúc vì nhận thấy nhu cầu đang gia tăng. Ngày càng nhiều người có thể sở hữu sản phẩm tùy biến nhờ công nghệ như in 3D. Tuy nhiên, sự “công bằng” chưa bao giờ là điều các khách hàng giàu có mong muốn.
Cho dù như thế, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vẫn là một hướng đi tất yếu trong thời đại ngày này, nhất là khi tầng lớp tiêu dùng thuộc thế hệ millennial ngày càng gia tăng. Dẫu vậy, sự chuyển đổi mô hình kinh doanh quá vội vã mà chưa tìm hiểu kỹ thị trường dễ để lại nhiều hệ quả khó lường. Nghiên cứu của Bridge to Luxury cho thấy những người trẻ giàu có ở Đức vẫn có quan điểm tương đồng với thế hệ trước về tiêu dùng xa xỉ. Thậm chí, họ còn dùng các phương tiện truyền thông dưới dạng in ấn nhiều hơn nhóm đối tượng lớn tuổi, còn tỉ lệ sử dụng nội dung số lại bằng nhau. Họ cũng đề cao sự khác biệt tầng lớp xã hội và trân trọng các giá trị cốt lõi của xa xỉ như nhiều thế hệ qua. Mối đe dọa thực sự, Mueller nhấn mạnh, là tình trạng hờ hững với nghề thủ công bởi chính những người đóng vai trò dẫn lối ngành công nghiệp xa xỉ phẩm. Thủ công, được mài dũa qua nhiều thế hệ, mang trong mình những tinh hoa và lịch sử nhân loại. Và các tác phẩm của Wallace Chan là minh chứng rõ ràng cho những giá trị này.