Vào một ngày hè cuối tháng 5 năm 2017, tại ngôi làng cổ Ô Trấn ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc – địa danh nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ mang đậm nét kiến trúc truyền thống và những cây cầu đá bắc qua dòng kênh uốn lượn – có một chàng trai trẻ người Trung Quốc trong bộ com lê màu đen ngồi đăm chiêu suy nghĩ, hai tay day day thái dương. Đó không phải là một sinh viên đang phải đánh vật với bài toán quá sức, mà là Ke Jie (Kha Khiết) - thần đồng cờ vây thế giới với tâm lý thi đấu vững vàng cùng khả năng đọc vị và tính toán đường đi nước bước xuất sắc. Thay cho vẻ tự tin đến kiêu ngạo thường thấy, kỳ thủ cờ vây trẻ tuổi này đã phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại trong trận tỉ thí kéo dài 3 hiệp với AlphaGo, đại diện quyền năng của trí tuệ nhân tạo do Google phát triển.


Trò chơi đối kháng giữa một thần đồng 9 đẳng thế giới cùng trí tuệ nhân tạo trên một bàn cờ kích thước 19x19 ô - vốn được xem là môn cờ phức tạp nhất do con người sáng tạo với số nước đi còn nhiều hơn lượng nguyên tử trong vũ trụ thấy được bằng mắt thường - đã đánh dấu sự thống soái của AI trong lãnh địa này kể từ khi máy tính DeepBlue của Hãng IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua Gary Kasparov năm 1997. Và đây cũng chính là bối cảnh mở đầu cho cuốn sách AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order (Các siêu cường AI – Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới – NXB Trẻ) của Kai-Fu Lee, một cựu giám đốc điều hành tại Google Trung Quốc và là một chuyên gia hàng đầu về AI. Đó cũng không đơn thuần là một trận cờ vây, mà là cuộc chiến giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người, giữa kỷ nguyên cũ và một tương lai mới, mở ra một chương mới không chỉ trong cuộc cách mạng công nghệ, mà còn thay đổi cả cấu trúc quyền lực địa chính trị một cách cơ bản.

Tiến sĩ Lee Kai-Fu, tác giả cuốn sách Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order.


Thung lũng Silicon vs Trung Quốc – bức tranh tương phản


Có thể bạn chưa biết, trước khi hạ gục Ke Jie, AlphaGo đã từng đánh bại kỳ thủ huyền thoại người Hàn Quốc Lee Sedol trong một chuỗi trận đấu gồm 5 ván. Chiến thắng của AlphaGo không chỉ là thắng lợi vẻ vang của máy móc trước con người, mà còn cho thấy sức mạnh của các công ty công nghệ phương Tây so với phần còn lại của thế giới. Những tượng đài Internet như Facebook hay Google đã tạo nên vị thế thống soái cho Hoa Kỳ trong thế giới số, ngang ngửa với sức mạnh quân sự và kinh tế của quốc gia này trong thế giới thực. Và với AlphaGo, có vẻ như phương Tây đã sẵn sàng mở rộng sự thống trị đó để bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.


Trong cuốn sách này, Lee đã dẫn dắt người đọc đến với thế giới của hai thái cực – Thung lũng Silicon và môi trường khởi nghiệp ở Trung Quốc. Dưới cách nhìn của Lee, các doanh nhân ở Thung lũng Silicon thường là con cái của các chuyên gia thành đạt, lớn lên với sứ mệnh trở thành người thay đổi thế giới. Trong môi trường học tập lý tưởng đó, nơi họ vừa được học nghệ thuật lập trình từ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, vừa được đắm mình trong bầu không khí tranh luận triết học của một nền giáo dục khai phóng, việc bắt chước và sao chép ý tưởng hoặc đặc điểm sản phẩm của người khác bị coi là hành vi phản bội lại tư tưởng của thời đại và vi phạm nguyên tắc đạo đức kinh doanh chân chính.


Trong khi các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon có xu hướng lấy sứ mệnh làm định hướng thì ở đầu kia của lưỡng cực là nền văn hoá khởi nghiệp lấy thị trường làm định hướng với mục đích tối hậu là kiếm tiền. Trong môi trường đó, họ “sẵn sàng tạo ra bất cứ sản phẩm nào, áp dụng bất cứ mô hình nào, hoặc kinh doanh bất cứ ngành nghề nào miễn là đạt được mục đích đó”.



Động cơ cốt lõi của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc không phải là danh tiếng, sự vẻ vang, hay sứ mệnh làm thay đổi thế giới. Với họ, làm giàu là mục tiêu tối thượng, và việc làm giàu bằng cách nào không quan trọng.



Tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn đang diễn ra xung quanh) bắt nguồn từ chiến lược “để một số người làm giàu trước đã” của Đặng Tiểu Bình – càng làm gia tăng nỗi sợ rằng nếu không nhanh, không chớp lấy cơ hội thì mình sẽ mãi nghèo đói trong khi những người xung quanh đua nhau hốt bạc. Và trong kỷ nguyên sao chép đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thung lũng Silicon chỉ đơn thuần là mối quan hệ bắt chước, cạnh tranh và bám đuôi.


Tuy nhiên, kể từ khi thay đổi hướng đi vào năm 2013, Internet Trung Quốc đã biến thành một vũ trụ mới với các nguyên vật liệu thô, hệ hành tinh, cùng quy luật vật lý riêng biệt mà giới phân tích của Hoa Kỳ do mắc kẹt vào truyền thống ở Thung lũng Silicon không thể nào hiểu được. Và dù thừa nhận Silicon Valley là nơi gắn với văn hóa đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực hàng đầu thế giới và hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm vững mạnh nhưng Lee cũng cho thấy những thách thức mà thủ phủ công nghệ này đang phải đối mặt, bao gồm chi phí nhân sự cao cùng nhu cầu ngày càng lớn đối với dữ liệu để thúc đẩy các đổi mới về AI. Trong khi nhiều công ty ở Thung lũng Silicon có thể tồn tại dựa trên một ý tưởng ban đầu, thì Trung Quốc đã ươm mầm một thế hệ doanh nhân nhanh nhẹn và chăm chỉ nhất thế giới. Hẳn thế mà rất khó để hiểu được vì sao một thương hiệu lớn như Groupon chỉ có vốn hóa thị trường chưa đến nửa tỷ USD, trong khi Meituan, bản sao của công ty này, được định giá ở mức đáng kinh ngạc là 140 tỷ USD.

Cuốn sách đã được NXB Trẻ dịch và xuất bản tại Việt Nam dưới tựa sách: Các siêu cường AI – Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới.


Tham vọng AI của Trung Quốc


Để tạo ra một siêu cường AI, Lee cho rằng một quốc gia cần có bốn yếu tố cơ bản - những doanh nhân kiên trì; dữ liệu dồi dào; các nhà khoa học AI được đào tạo bài bản; và một môi trường chính sách hỗ trợ.

 

Ở một nền kinh tế số như Hoa Kỳ, nơi những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple, Google, Facebook, hay những cái tên lừng lẫy khác đã định hình thế giới công nghệ hiện đại, màn chinh phạt của AlphaGo có thể là một sự kiện mờ nhạt đối hầu hết người dân nước này. Tuy nhiên, sự thất bại của thần đồng cờ vây Ke Jie đã khiến hàng trăm triệu khán giả ở quốc gia tỷ dân này cảm thấy bị sỉ nhục. Thất bại của Ke Jie được ví với “thời khắc Sputnik” của Trung Quốc, thức tỉnh các nhà lãnh đạo nước này. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau sự kiện Ke Jie, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng, với những mốc chuẩn rõ ràng để đo lường tiến độ vào các năm 2020, 2025, đồng thời đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, dẫn đầu cả về các lĩnh vực lý thuyết, công nghệ, lẫn ứng dụng. 


Tham vọng này của Trung Quốc đối với trí tuệ nhân tạo được Lee củng cố bằng những khoản đầu tư khổng lồ và các sáng kiến chiến lược dựa trên nền tảng màu mỡ là kho dữ liệu từ 1,4 tỷ người cùng số lượng người dùng Internet của Trung Quốc lớn hơn tổng số người dùng ở cả Hoa Kỳ và toàn bộ châu Âu gộp lại. Hẳn nhiên, trong một vũ trụ mới mẻ và thách thức này, nơi một ngày là một cuộc thử thách giữa lò bát quái, giống như một ngày của đấu sĩ trên đấu trường La Mã, “mọi cuộc chiến đều mang ý nghĩa sinh tử, và các đối thủ sẽ ra tay không khoan nhượng”.


Tâm lý FOMO của các công ty khởi nghiệp và sự hậu thuẫn về cả chiến lược và tài chính của chính phủ Trung Quốc đã tạo nên cú nhảy vọt của điện thoại di động, cuộc cách mạng O2O (Online to Offline), kích hoạt sự trỗi dậy của hàng loạt start up công nghệ như WeChat, Alibaba, Baidu, DJI, SenseTime, hay Tencent … Tất cả những yếu tố này cùng nhau tạo nên một bức tranh về một Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc công nghệ trong kỷ nguyên số.



Những lo ngại có cơ sở

Những robot hình người đang được sản xuất tại một nhà máy ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, miêu tả của Lee về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với AI vừa làm người đọc cảm thấy ngưỡng mộ nhưng cũng vừa lo ngại về các vấn đề đạo đức liên quan đến những tiến bộ công nghệ, bao gồm các vấn đề về quyền riêng tư, nguy cơ làm đảo lộn thị trường lao động.


“Trong trận cờ của Ke Jie, điều khiến tôi hoảng sợ không phải là các robot sát thủ mà một số chuyên gia công nghệ nổi tiếng vẫn cảnh báo. Cái mà tôi sợ là những thế lực tà ác được chiêu hồn về thế giới thực do tình trạng thất nghiệp tràn lan và hệ quả của nó là sự bất ổn xã hội gây ra. Mối đe doạ đối với công ăn việc làm sẽ đến nhanh hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia, và nó sẽ không phân biệt đối xử, mà tấn công ồ ạt cả vào lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao lẫn lực lượng lao động trình độ thấp.” – Lee chia sẻ trong cuốn sách.


Ông hiểu được nguy cơ đảo lộn thị trường lao động khi làn sóng học sâu tràn qua nền kinh tế toàn cầu, bởi “nó sẽ cuốn trôi hàng tỉ việc làm ở cả vị trí cao và thấp trên chiếc thang kinh tê” – từ công nhân đứng máy dây chuyền, nhân viên kho bãi, chuyên gia phán tích chứng khoán, nhân viên kiểm tra chất lượng, tài xế xe tải, chuyên gia tư vấn pháp lý, và thậm chí cả bác sĩ X-quang … Ông dự đoán rằng, trong 15 năm tới, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế khoảng 40-50% việc làm ở Hoa Kỳ và đây là một mối đe doạ rất thật, rất lớn, và rất gần. Theo lý giải của ông, tình trạng hỗn loạn trên các thị trường lao động và trong các xã hội sẽ diễn ra trên nền bối cảnh là một cuộc khủng hoảng mang tính cá nhân – sự mất đi cảm thức về mục đích sống.



Thông qua một góc nhìn cân bằng, Lee khuyến khích độc giả xem xét cả những cơ hội tuyệt vời lẫn những thách thức đáng sợ mà AI tạo nên.



Tác động của AI đối với động lực quyền lực toàn cầu


AI Superpowers cũng đi sâu vào cách AI đang định hình động lực quyền lực toàn cầu. Lee khám phá cách các quốc gia xuất sắc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ có lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng đến mọi thứ từ sức mạnh kinh tế đến khả năng quân sự. Phân tích của ông cho thấy khả năng tận dụng AI sẽ là yếu tố chính quyết định sức mạnh và ảnh hưởng quốc gia trong những thập kỷ tới. Theo lý giải của ông, trật tự thế giới AI sẽ kết hợp mô hình kinh tế người-thắng-lấy-hết với sự tập trung hoá tài sản ở quy mô lớn chưa từng có vào tay một số ít công ty ở Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai cường quốc đã vượt xa khỏi tất cả các quốc gia khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để thiết lập nên một trật tự thế giới lưỡng cực kiểu mới.


PwC ước tính rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ nắm giữ 70% trong số 15,7 nghìn tỷ USD mà AI sẽ bổ sung vào GDP toàn cầu vào năm 2030, riêng Trung Quốc sẽ mang về 7 nghìn tỷ USD. Theo quan điểm của Lee, các công ty Mỹ có thể sẽ tuyên bố chủ quyền đối với nhiều thị trường phát triển trong khi những gã khổng lồ AI của Trung Quốc sẽ có cơ hội tốt hơn để giành chiến thắng ở Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Các nước đang phát triển có khả năng sẽ trở thành những kẻ thua cuộc lớn nhất. Với việc sản xuất và dịch vụ ngày càng được cung cấp bởi máy móc thông minh của các siêu cường AI, các nước đang phát triển sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh duy nhất: lao động giá rẻ. Lee cảnh báo rằng những quốc gia này đang có nguy cơ trở thành các quốc gia phụ thuộc và phục tùng gần như hoàn toàn.


Tóm lại, AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order là một cuốn sách thú vị cho bất kỳ ai quan tâm đến việc tìm hiểu ảnh hưởng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo đối với thế giới của chúng ta. Kai-Fu Lee kết hợp phân tích chuyên sâu với những câu chuyện lôi cuốn để tạo ra một cuốn sách vừa đầy đủ thông tin vừa kích thích tư duy. Trước ngưỡng cửa của một tương lai được điều khiển bởi AI, chúng ta sẽ hiểu được các lực lượng đang định hình thế giới và các quyết định sẽ xác định tương lai chung của loài người.