Khi các hoạt động từ thiện theo kiểu truyền thống hiện nay đã không còn phù hợp, cách tiếp cận của MacKenzie Scott – vợ cũ tỷ phú Jeff Bezos – chỉ đơn giản là cho đi càng nhiều và càng nhanh càng tốt.
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ ở Hoa Kỳ lao đao với khoảng 8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh khốn đốn kể từ tháng 6 đến tháng 11 năm ngoái, tăng gần 12%, tương đương tỷ lệ 22% đối với những người không có bằng cấp đại học. Trong khi đó, số dư tài khoản ngân hàng của hơn 600 tỷ phú Mỹ đã tăng hơn 1 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian 11 tháng tính đến giữa tháng 2 năm nay nhờ mức tăng trưởng kỷ lục của thị trường chứng khoán. Về lý thuyết, khối tài sản của Elon Musk hiện có giá trị hơn 158 tỷ USD so với hồi tháng 3 năm ngoái, trong khi Jeff Bezos đút túi thêm 76 tỷ USD, mặc dù đã nhượng một phần tư cổ phần Amazon cho vợ cũ, MacKenzie Scott.
Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu ví tầng lớp tỷ phú Mỹ như những chú rồng đang ngủ quên trên kho báu lấp lánh của họ. Một số bị tác động bởi dịch bệnh, bất ổn chính trị hay sự bất bình đẳng về tài sản, sức khỏe và chủng tộc. Scott đã thể hiện tốt nhất tình thế khẩn cấp mới qua cách xử lý hợp lý tình huống ly hôn của mình, quyên góp gần 6 tỷ USD cho khoảng 500 tổ chức phi lợi nhuận trong suốt năm ngoái – một tỷ lệ và quy mô hoạt động từ thiện chưa từng có. Xét về mặt thực tế, Scott đang thách đấu các tỷ phú đồng nghiệp của mình.
Áp lực hiện nay đang gia tăng, không chỉ là cho đi mà còn phải cho đi một cách nhanh chóng, thay vì tạo ra một nền tảng tài sản vĩnh viễn, ít nhất là ở một khía cạnh nào đó, để đánh bóng di sản của người sáng lập sau khi qua đời. Nhưng nhanh hơn có thực sự tốt hơn không? Và nếu câu trả lời là đúng thì tại sao nhiều người lại thấy khó thực hiện đến vậy?
Tại Hoa Kỳ, tổ chức từ thiện cố gắng tạo ra một mạng lưới an toàn “mà chính phủ không được thiết kế để thực hiện sứ mệnh đó”, Sampriti Ganguli – Giám đốc điều hành của Arabella Advisors, một trong những tổ chức tư vấn từ thiện hàng đầu của Hoa Kỳ – cho biết. “Nền tảng của nó được xây dựng trên cơ sở tôn giáo, và phần lớn việc cho đi vẫn được thông qua các tổ chức tôn giáo”. Khả năng khấu trừ tới 100% thu nhập gộp đã điều chỉnh từ hóa đơn thuế của ai đó là một nguyên nhân khác.
“Nếu không phân phối tài sản của mình nhanh hơn số tài sản tăng lên, nó sẽ nghiền nát ông, con cái và cháu chắt của ông!” – tỷ phú John D. Rockefeller.
Tuy nhiên, từ thiện ở quy mô lớn vẫn là công việc vô cùng hiếm gặp đối với lớp người siêu giàu, dù đó là những ông trùm tư bản vô đạo thời trước hay đám tài phiệt thời nay. Năm 1906, nhà tư vấn từ thiện Frederick Gates đã cảnh báo rằng nếu John D. Rockefeller – vị tỷ phú đầu tiên trên thế giới – không phân phối tài sản của mình nhanh hơn số tài sản tăng lên, “nó sẽ nghiền nát ông, con cái và cháu chắt của ông!”.
Thế nhưng, hầu hết các ông trùm của nhiều ngành công nghiệp có truyền thống chuộng cách làm từ thiện hợp pháp thông qua các quỹ tư nhân, chẳng hạn như các quỹ của các triều đại Rockefeller, Ford, Getty, Lilly, Johnson, Kellogg và Mellon. Tất cả những quỹ này vẫn đang hoạt động tốt, được hưởng một loạt lợi ích về thuế để đổi lại khoản thanh toán hàng năm tối thiểu tương đương với mức 5% khoản cho đi. Vì một số chi phí kinh doanh cũng được tính vào mức phân tán khiêm tốn đó, nên số tiền thực tế quyên góp cho tổ chức từ thiện thậm chí còn nhỏ hơn thế.
Một kiểu quỹ phổ biến khác là quỹ của các nhà tài trợ tư vấn (DAF), nơi hơn 1 nghìn tỷ USD hiện đang nằm trong các quỹ DAF. John Arnold – nhà quản lý quỹ phòng hộ Arnold Ventures – hiện đang vận động để đặt ra giới hạn thời gian cho DAF nhằm đẩy nhanh tốc độ quyên góp.Arnold và Scott đại diện cho một thế hệ các tỷ phú/nhà từ thiện kiểu mới với tư tưởng cách tân. Họ tin rằng hoạt động từ thiện theo kiểu truyền thống sẽ không còn phù hợp. Cách tiếp cận của Scott chỉ đơn giản là cho đi càng nhiều – và càng nhanh – càng tốt. Để đạt được mục tiêu đó, bà đã thuê Bridgespan, một trong những chuyên gia tư vấn từ thiện thế hệ mới (những tổ chức và cá nhân khác bao gồm Arabella Advisors và FSG), những người biết chia sẻ sự chú trọng vào thay đổi cấu trúc xã hội thay vì từ thiện kiểu cũ.
Scott từ chối cách tiếp cận thông thường vốn chỉ yêu cầu những người nhận tài trợ của mình đo lường lợi tức đầu tư. Thông thường, chi phí của quy trình báo cáo này không được tính vào khoản đóng góp và do đó được thể hiện trong chi phí quản lý của tổ chức phi lợi nhuận, nơi các nhà từ thiện thường không đóng góp. MacKenzie Scott cho biết thay vì thế, bà đã hướng dẫn Bridgespan thực hiện việc thẩm định trước – cả đầu vào theo định hướng và định tính từ nhiều chuyên gia. Trong một bài đăng trên Medium vào tháng 12/2020 – thời điểm khi hoạt động từ thiện của bà được truyền thông khai thác – MacKenzie Scott cho biết rằng, mục đích là “không chỉ để xác định các tổ chức có tiềm năng tác động cao, mà còn mở đường cho những món từ thiện bất ngờ được trao đi với sự tin tưởng hoàn toàn và không kèm các điều kiện khác… Các tổ chức phi lợi nhuận không chỉ bị động về tài chính, mà còn thường xuyên bị chuyển hướng khỏi công việc của mình bằng cách gây quỹ và bởi các yêu cầu báo cáo nặng nề mà các nhà tài trợ thường đặt ra cho họ.”
Khác biệt của MacKenzie Scott là lựa chọn tính đa dạng về thuật lãnh đạo. Trong một blog được xuất bản vào tháng 7/2020, bà đã viết rằng, trong số các tổ chức phi lợi nhuận nhận được đợt tài trợ đầu tiên của mình, “91% các tổ chức bình đẳng chủng tộc được điều hành bởi các nhà lãnh đạo da màu, 100% các tổ chức bình đẳng LGBTQ + được điều hành bởi các nhà lãnh đạo LGBTQ+, và 83% các tổ chức bình đẳng giới do phụ nữ điều hành, mang lại trải nghiệm sống động cho các hệ thống xã hội mất cân bằng”. Ngược lại với mô hình từ thiện truyền thống mang tính chất áp đặt, bà đã đặt niềm tin vào các tổ chức mong muốn nâng cao vai trò của các nhà lãnh đạo từ trong chính các cộng đồng thứ yếu mà họ phục vụ để đưa ra quyết định tài trợ.
“Các gia đình Mỹ với tài sản hơn 500 triệu USD chỉ góp 1,2% tài sản của mình cho công việc thiện nguyện trong năm 2017.” – Nghiên cứu của Bridgespan Group.
MacKenzie Scott là người đã ký Cam kết Cho đi (Ging Pledge) – chiến dịch được sáng lập bởi vợ chồng Bill Gates và Warren Buffett với yêu cầu các tỷ phú đồng cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình trong suốt cuộc đời hoặc theo di chúc. Cam kết hiện có hơn 200 người ký, nhưng theo Nicholas Tedesco, người đã giúp thiết lập chiến dịch vào năm 2010, vẫn còn một “khoảng cách giữa ý định và hành động”.
Chris Oechsli, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Atlantic Philanthropies – quỹ do ông trùm mua sắm miễn thuế Chuck Feeney thành lập đã chi toàn bộ khoản tài trợ 8 tỷ USD trong 38 năm – nêu dẫn chứng về một nghiên cứu của Bridgespan cho biết các gia đình Mỹ với tài sản hơn 500 triệu USD chỉ góp 1,2% tài sản của mình cho công việc thiện nguyện trong năm 2017. Tỷ lệ này “giảm đáng kể so với mức trung bình về lợi tức đầu tư dài hạn trên tài sản.” Bridgespan kết luận rằng những gia đình như vậy sẽ cần phải tăng số tài sản của họ lên gần 10 lần, lên hơn 11% tài sản hàng năm, để tiêu bớt một nửa tài sản của họ trong 20 năm. Theo Oechsli, dù trở thành nguồn cảm hứng và là người ký tên vào Cam kết cho đi, nhưng Feeney lại coi đây là một hành động không tham vọng.
Vấn đề nằm ở điều khoản miễn trách nhiệm của quỹ. Khi được Gates mời ký Cam kết Cho đi vào năm 2010, Robert Wilson đã từ chối. Theo các email được Buzzfeed công bố vài ngày sau khi Wilson qua đời vào năm 2013, người đàn ông này đã nói rằng, “Cam kết cho đi của Ngài có một lỗ hổng khiến nó thực sự vô giá trị, cụ thể là cho phép những người cam kết chỉ cần nêu tên các tổ chức từ thiện trong di chúc của họ. Tôi nhận thấy rằng hầu hết các tỷ phú … ghét việc cho đi những khoản tiền lớn khi còn sống và thay vào đó, họ thành lập các quỹ do gia đình kiểm soát để làm điều đó cho họ sau khi tạ thế. Và những quỹ này thường xuyên trở thành những kẻ “chui rúc” trong các bộ máy hành chính. Những người giàu này vui mừng bỏ ra vài triệu mỗi năm để được xã hội chấp nhận. Sự thật là như vậy”.
Sau một thời gian đảm nhận công việc cố vấn từ thiện cho các khách hàng của Ngân hàng tư nhân JP Morgan, Tedesco hiện là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Từ thiện Gia đình (NCFP). Ông nói rằng nhiều nhà từ thiện đấu tranh “để triển khai hiệu quả nguồn vốn của họ trên quy mô lớn”, và nêu ra ba lý do: thiếu thời gian, thiếu chuyên môn và “mong muốn duy trì cơ sở hạ tầng tinh gọn”. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho biết rằng một nhóm nhỏ có thể mang lại hiệu quả cao, trong khi một nhóm lớn không cần thiết hoặc thậm chí còn gây trở ngại.
Tất cả các chuyên gia được phỏng vấn cho bài viết này đều nhiệt tình với cách tiếp cận của MacKenzie Scott. Panepento chia sẻ: “Sự kết hợp giữa tốc độ và quy mô từ thiện là không bình thường. Việc quyên góp hàng tỷ USD trong một năm bằng cách tiếp cận hàng trăm tổ chức trên toàn quốc là một hoạt động thể hiện phản ứng nhanh chóng mà bà hy vọng sẽ tác động đến hầu hết mọi cộng đồng trong cả nước”.
MacKenzie Scott cũng đã hứa sẽ tiếp tục cho đi tài sản của mình “cho đến khi két sắt trống rỗng” sau khi ly hôn. Trong năm qua, Scott đã quyên góp khoảng 6 tỷ đô la cho hơn 500 tổ chức phi lợi nhuận và vừa công bố một vòng tài trợ mới trị giá tổng cộng 2,7 tỷ đô la cho 286 tổ chức giáo dục đại học, xã hội và nghệ thuật.
Tuy nhiên, theo Panepento và Buchanan, kỳ lạ là, việc cho đi hàng tỷ USD chỉ trong vài tháng có thể tạo ra một thách thức đối với một số tổ chức nhận tài trợ bởi họ có thể thấy việc quản lý quỹ và duy trì hiệu quả là vấn đề khó khăn.
“Khi người chết đi mà vẫn giàu thì đó là cái chết nhục nhã!” – nhà từ thiện Andrew Carnegie.
Ý tưởng cho đi khi còn sống được Feeney thể hiện tốt nhất. Người đàn ông bước sang tuổi 90 vào tháng 6 năm nay đã hoạch định quỹ từ thiện với mục đích rõ ràng là chia tay toàn bộ tài sản mà mình gây dựng được trong suốt cuộc đời. Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương (The Atlantic Philanthropies) đã phân bở thành công hàng tỷ đô la của mình cho các mục đích khác nhau, từ giáo dục đại học đến tiến trình hòa bình Ireland và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.
Feeney được truyền cảm hứng bởi tuyên bố của nhà từ thiện Andrew Carnegie rằng “Khi người chết đi mà vẫn giàu thì đó là cái chết nhục nhã!”. Oechsli, người giám sát việc phân bổ các khoản từ thiện cuối cùng của Feeney, cho biết vị tỷ phú có tầm lòng Bồ Tát này chỉ để lại cho con cái mình một “khoản tiền khiêm tốn” và một quỹ từ thiện riêng để họ quản lý.
Oechsli cho biết các khoản tài trợ “đi kèm với các thỏa thuận bảo mật rất nghiêm ngặt”. Quỹ được thành lập tại Bermuda một phần để tránh các yêu cầu của Hoa Kỳ, vốn có thể sẽ tiết lộ danh tính và tình trạng của Feeney, trong khi ông chỉ muốn âm thầm cho đi thay vì khua chiêng gõ mõ.
Oechsli ngưỡng mộ MacKenzie Scott, người mà theo ông là “phi thường và tuyệt vời,” và dự đoán những khoản từ thiện của bà sẽ mang tính “biến đổi”. “Bà ấy không cần phải kéo dài khoản từ thiện hơn 20, 30, 50 năm nữa mà đã thực hiện ngay lập tức cho các trường cao đẳng và đại học dành cho người Mỹ gốc Phi với những tác động lâu dài.” – Oechsli chia sẻ.