Đông Nam Á đã và đang là khu vực phát triển thịnh vượng nhờ vị thế là điểm giao thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang tái định hình trật tự thế giới, vai trò của khu vực Đông Nam Á không chỉ là cầu nối giữa hai siêu cường mà còn hơn thế nữa. Đây là thông điệp chính được thảo luận tại buổi tọa đàm do công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Roland Berger tổ chức tại Singapore. Các chuyên gia hàng đầu đã cùng phân tích những chuyển biến trong địa chính trị, đổi mới sáng tạo và chuyển dịch năng lượng.
Tham dự tại sự kiện có đại diện của Roland Berger gồm Denis Depoux – Giám đốc điều hành toàn cầu, kiêm phụ trách khu vực châu Á; Damien Dujacquier – Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á và phụ trách lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT); và Dieter Billen – Đối tác cấp cao, phụ trách mảng năng lượng và phát triển bền vững tại Đông Nam Á. Họ đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về các chuẩn mực kinh doanh mới tại khu vực. .
Depoux nhận định rằng cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không còn giới hạn ở thuế quan hay các lệnh cấm công nghệ, mà đã trở thành một cuộc đối đầu toàn diện về kinh tế và tư tưởng. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á có thể là “sàn đấu” cho cuộc cạnh tranh này, đồng thời đóng vai trò cân bằng.

Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đang vươn lên thành những “quốc gia kết nối”, thu hút dòng vốn đầu tư và củng cố chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Malaysia đang khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là lĩnh vực chủ chốt trong bối cảnh hiện nay.
Các nước ASEAN có năng lực sản xuất và chi phí lao động cạnh tranh, tuy nhiên lợi thế chi phí chưa đủ để duy trì đà phát triển của khu vực, theo chuyên gia Dujacquier . “Thay vì chỉ tập trung làm ra sản phẩm rẻ hơn, các doanh nghiệp cần tư duy về cách đổi mới nhanh hơn,” vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ví dụ từ Singapore, Dujacquier cho rằng khả năng nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các đổi mới của quốc gia này là điều mà các nước ASEAN nên học hỏi và nhân rộng. Từ đó, thúc đẩy tinh thần chấp nhận rủi ro, đơn giản hóa các quy định và hỗ trợ các ngành chiến lược như bán dẫn và nhiên liệu sinh học.
Mặt khác, ngành năng lượng đang mở ra nhiều tiềm năng mới cho Đông Nam Á. Bất chấp những bất ổn chính trị tại phương Tây, quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực này vẫn đang trên đà phát triển.
Billen cho biết các nước ASEAN đang tích cực tìm kiếm giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai—từ năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học cho đến năng lượng hạt nhân. Với lợi thế sở hữu nguồn tài nguyên sinh học và khoáng sản quan trọng, Malaysia và Indonesia đang nổi lên như những trung tâm đổi mới về năng lượng sạch, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực phát triển bền vững.
Kết thúc buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng khả năng thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo và xây dựng liên minh chiến lược sẽ quyết định vị thế của Đông Nam Á trong trật tự thế giới mới.