Số lượng các nhà sưu tập đồng hồ vintage gia tăng đột biến trong vài năm qua không hẳn đã mang lại lợi ích cho tất cả mọi thương hiệu.
Ở tầng cao nhất của ngành công nghiệp đồng hồ, khoảng cách đã được nới rộng giữa mức giá của các mẫu đồng hồ đáng khao khát nhất và những mẫu có cùng mức độ quý hiếm nhưng chưa mấy được biết đến nhiều trong cộng đồng các nhà sưu tập trực tuyến. Nhờ các nền tảng như Instagram, các nhà sưu tập có thể biết được giá trị thực của các mẫu đồng hồ vintage thông qua đánh giá của các chuyên gia trong ngành, điều mà các công cụ phân tích thông thường chưa đo lường được.

Thị trường đồng hồ vintage luôn là có sức hút đặc biệt đối với các nhà sưu tập có quan tâm nghiêm túc đến hiệu suất đầu tư. Nhưng trong chưa đầy một thập kỷ, các quy tắc ước tính mức tăng hay giảm xét về giá trị của đồng hồ trong tương lai đã thay đổi mạnh mẽ. Mười năm trước, những tay chơi hàng đầu trong lĩnh vực đồng hồ vintage thường là một nhóm nhà đầu tư thuộc giới tinh hoa sành đồng hồ với khả năng nắm bắt cơ hội bằng cách đánh giá các yếu tố trải nghiệm về độ quý hiếm, tình trạng và xuất xứ. Dù những kỹ năng này vẫn còn đóng vài trò quan trọng, nhưng thực tế đã cho thấy sự biến đổi từ các kiến thức đặc thù chuyên môn về sản phẩm sang văn hóa của nhóm nhà sưu tập khi lớp tín đồ mới – nhiều người trong số họ có thể đã tậu được những chiếc đồng hồ mới – đang hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không phải tất cả những tín đồ mới này là những người mua thực sự có ảnh hưởng đến thị trường.

“Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong mảng đồng hồ vintage”, Aurel Bacs – cố vấn cao cấp của Phillips, một trong những hãng đấu giá danh tiếng nhất trong lĩnh vực đồng hồ hiện nay – cho biết. “Điều này có nghĩa là thị trường đang đón nhận ngày càng nhiều nhà sưu tập từ nhiều quốc gia và cả thế hệ trẻ. Giá trị giao dịch trung bình đã tăng mạnh”. Đối với các cựu binh trong hạng mục đồng hồ vintage, sự thay đổi nhân khẩu học gây sửng sốt hơn so với sự bùng nổ chung trong lĩnh vực này.
“Trong mảng đồng hồ cao cấp, con số ‘tân binh’ tham gia thế giới đồng hồ vintage tăng mạnh chưa từng thấy”, John Reardon, Giám đốc phụ trách mảng kinh doanh đồng hồ quốc tế của Christie’s, cho biết. “Sẽ không còn cảnh nhà đầu tư muốn mua một chiếc Omega vintage với giá vài nghìn USD nữa. Giờ đây, lớp khách hàng trong độ tuổi 30-40 mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực sưu tập đồng hồ vintage đang sẵn sàng móc hầu bao để chi hàng trăm ngàn Mỹ kim cho chiếc đồng hồ cổ điển đầu tiên trong đời. Đây là hiện tượng mà tôi chưa bao giờ thấy trước đó”.

Thực trạng và tương lai
Cũng như nhiều lĩnh vực khác trên thị trường sưu tập, sự tăng giá và khối lượng doanh số đấu giá đồng hồ vintage đã từ từ khựng lại do hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi thị trường lấy lại được đà tăng trưởng vào giữa năm 2010 và 2012, tình hình đã trở nên rõ ràng hơn.
Theo Katharine Thomas, Giám đốc phụ trách mảng đồng hồ tại Sotheby’s New York, “mảng đấu giá đồng hồ cao cấp thực sự đã trở thành một thị trường đáng giá, bởi những món đồ quý hiếm đang có giá cao hơn so với thời kỳ trước năm 2008. Trong một số trường hợp, chúng tôi nhận thấy giá của một số mẫu nhất định đã tăng ngoạn mục trong vòng 10 đến 15 năm qua”.

Nhiều yếu tố tác động giải thích hiện tượng tăng giá này, nhưng thị hiếu, hay nói cách khác là mốt, đóng một vai trò quan trọng. Có vẻ như đồng hồ vintage đang được xem như món phụ kiện phù hợp để thể hiện cá tính của chủ nhân hơn so với những chiếc đồng hồ mới, một sắc thái được lớp khách hàng trẻ tuổi chấp nhận. Nhưng lớp khách hàng này cũng nhạy cảm về kích thước xuất phát từ trải nghiệm của họ với các loại đồng hồ mới.
Nhiều mẫu đồng hồ vintage có kích thước quá nhỏ để diện trên cổ tay. “Hầu hết các nhà sưu tập ngày nay đang săn tìm đồng hồ đeo tay vintage, và khi nói về chúng là nói về độ khan hiếm. Thử lấy Patek Philippe Ref 1526 làm ví dụ. Đây là một trong những mẫu đồng hồ lịch vạn niên tuyệt đẹp và khan hiếm nhất từng được Patek Philippe chế tác. Nhưng do kích cỡ đồng hồ khá nhỏ với đường kính chỉ 33,5 mm, người mua không mấy mặn mà để sở hữu nó, mặc dù một số người vẫn chọn mua những chiếc đồng hồ kích thước nhỏ như một xu hướng muốn tạo sự khác biệt” – Reardon cho biết.
Cũng như các tài sản khác, một đợt tăng giá có xu hướng tạo ra xung lực của nó. Và trong khi gắn với những nhà sưu tập đầy đam mê, những người không quá quan tâm đến khía cạnh tiền bạc, thì thị trường đồng hồ cũng là nơi hiện diện của các nhà đầu cơ luôn muốn đẩy giá lên để kiếm tìm lợi nhuận.
Tuy nhiên, Aurel Bacs không đồng tình với ý nghĩa của thuật ngữ Trophy Watch (đồng hồ được giới đầu tư săn lùng). “Tôi không thể và không muốn bán một chiếc đồng hồ cho những ai không yêu thích nó, không thích thú với lai lịch, các tính năng cơ học hay vẻ thẩm mỹ của cỗ máy đó”, Bacs nói.

Cơn cuồng say đồng hồ vintage
Nếu những gì Bacs nói có vẻ giống như chia sẻ của một nhà ngoại giao hoặc một chính trị gia hơn là một nhà đấu giá thì đó là bởi ông đã nhận ra rằng trong thế giới kết nối nhộn nhịp của các nhà sưu tập đồng hồ vintage trên Instagram, blog và các diễn đàn khác, vai trò của ông giờ đây giống như một “già làng” hơn là nhà phân tích đồng hồ. Luồng thông tin khổng lồ giữa cộng đồng các nhà sưu tập chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy cơn cuồng say đồng hồ vintage.

Một trong những tác động tích cực nhất là sự gia tăng mức độ uyên thâm trong kiến thức về đồng hồ vintage của cộng đồng các nhà sưu tập cùng sự gia tăng tương ứng về tính minh bạch và dữ liệu từ các nhà đấu giá. Điều này đã giúp gỡ bỏ một trong những rào cản đáng sợ nhất trong việc mua một chiếc đồng hồ vintage – nguy cơ đồng hồ đã bị tráo đổi các chi tiết nguyên bản dẫn đến việc làm suy giảm đáng kể giá trị của nó.
Các nhà sản xuất đồng hồ nhạy bén cũng đang tận dụng lợi thế của lớp khách hàng mới này. Audemars Piguet và Vacheron Constantin đang tích cực nỗ lực để cung cấp kiến thức về lịch sử của thương hiệu. Hiện tại, mặc dù đang bắt đầu có xu hướng tăng lên, nhưng giá trị của các cỗ máy thời gian mang tên hai thương hiệu này vẫn còn mềm hơn nếu so với Rolex và Patek Philippe, hai trụ cột truyền thống trong những phiên đấu giá đồng hồ vintage.
Omega và Longines, hai thương hiệu chiếu dưới, cũng đang cho thấy sự gia tăng đáng kể về giá trị các mẫu đồng hồ vintage của thập niên 40-50- 60. Những mẫu vintage của Longines từ những năm 1950 hiện đang được giới sưu tập ráo riết săn lùng với giá bán gần đây đã tăng gấp ba hoặc gấp bốn lần.