Trong các cuộc thi, khi còn bốn đội, với trận cuối cùng, đội nào muốn về nhì thì không cần phải cố gắng, thua cũng được giải nhì. Trong khi đội nào muốn về ba, sẽ phải nỗ lực hết sức.
Trong các cuộc thi, khi còn 4 đội, với trận cuối cùng, đội nào muốn về nhì thì không cần phải cố gắng, thua cũng được giải nhì. Trong khi đội nào muốn về ba, thì phải nỗ lực hết sức. Ở đây, đội về ba so với đội về nhì tuy thấp hơn một bậc, nhưng lại là đội chiến thắng ở trận cuối cùng, còn đội về nhì thì buộc phải thất bại. Chính điều này nên dân gian mới có câu: “Về nhì thì không phải thi”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào về nhì cũng là thất bại, hoặc người thứ nhì thì ít được kính trọng bằng người thứ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong ba huynh đệ kết nghĩa vườn đào, dân gian Trung Quốc và vài nước khác đã chọn Quan Công – người xếp thứ hai – để phong phúc thần, thờ phượng đến ngày nay.
Trong cuốn Từ điển biểu tượng của J. E. Cirlot, số 2 là đại diện cho hồi thanh, phản ánh, tranh chấp và đối trọng hoặc nghịch vị; hoặc sự tịch lặng nhất thời của các lực lượng trong thế cân bằng; nó cũng tương ứng với sự trôi chảy của thời gian – cái tuyến đi từ sau ra trước; nó được biểu lộ trong hình học bằng hai điểm, hai đường hoặc một góc. Nó cũng tượng trưng cho hạt nhân đầu tiên của vật chất, của tự nhiên trong đối lập với tạo hóa, của mặt trăng đối với mặt trời. Còn trong thần số học (numerology), người chủ đạo số 2 luôn hướng tới hòa bình, thích sống vui vẻ, chan hòa. Số 2 cũng mang ý nghĩa yêu thương, che chở, bảo ban và dạy dỗ. Còn trong phong thủy, số 2 là cân bằng âm dương, là song hỷ, là hạnh phúc lứa đôi.
Trái đất có 24 đường kinh tuyến, tương ứng với 24 múi giờ. Trong cấu trúc giờ-phút-giây, thì giờ hoặc giây có thể luân phiên giữ vị trí số 1 trong quan niệm về thứ tự thời gian, riêng phút thì luôn luôn ở vị trí số 2. Thành phố này, đất nước kia có thể khác nhau về múi giờ, nhưng không bao giờ khác nhau về “múi phút”. Ví dụ Hà Nội đang 15:32, thì Paris sẽ là 10:32, New York là 04:32, nghĩa là múi giờ – tạm gọi là số 1 – có thể cách xa nhau cả ngày đêm, nhưng múi phút – số 2 – thì luôn ổn định như vậy.
Trong cách gọi tên 10 con số của tiếng Việt, từ 0 cho đến 9, không có số nào phong phú bằng số 2. Ngoài số 2, chúng ta có thể gọi những từ tương đương ngữ nghĩa như nhị, nhì, hai, đôi, song, lưỡng, cặp, đúp…; những số đi với số 2 cũng thường biến nhiều cách gọi, như 12 là mười hai, tá, một tá, như 24 là hai tư, hai bốn, hai mươi tư… Nếu địa vị số hai không quan trọng trong nhận thức, trong tâm tư – tình cảm, thì sao lại có nhiều cách gọi như vậy?
Trong xã hội và công việc, vị trí số hai cũng luôn là một ẩn số, một bảo chứng của nhiều nền tảng bền vững. Sự tích ông bà Táo trong phong tục Việt có nhiều cách kể, nhiều quan niệm, xuất xứ, nhưng nền tảng 1 bà 2 ông luôn được giữ vững, nơi người chồng thứ hai chính là nguồn cơn của mọi chuyện, bi kịch nhất, mà cũng thăng hoa nhất. Dân gian cảm kích đạo nghĩa vợ chồng vẹn lý vẹn tình của họ mà phong phúc thần, được thờ phượng như những vị thần đại diện cho phước đức, cho gia đạo, cho đạo lý của mỗi gia đình.