Ẩn chứa những dấu ấn và giá trị riêng, những món đồ vintage đã trở thành một khái niệm thể hiện mức độ xa xỉ tột đỉnh.

Vào mùa hè năm ngoái, Christie’sSotheby’s đã tổ chức màn đấu giá cho danh mục mà hẳn ít ai ngờ đến: giày sneakers đã qua sử dụng. Đây không phải lần đầu các hãng đấu giá này bổ sung mặt hàng thời trang vào các hạng mục của mình bởi sự kiện đôi Air Jordan của huyền thoại Michael Jordan được bán với mức giá cao kỷ lục 615.000USD đã từng cho thấy rằng: trang phục nam vintage đang chiếm giữ vị trí quan trọng trên thị trường thời trang sưu tầm.

Không chỉ sneakers, các quý ông hợp thời giờ đây còn thèm muốn chiếc áo sơ-mi của Brook Brothers và chiếc quần jeans “Big E” của Levi’s – vốn sở hữu sức hút khó cưỡng không kém gì đồng hồ Rolex Daytona hay siêu xe Ferrari. Từng bị hắt hủi bởi thành kiến “những món đồ đã qua sử dụng”, trang phục nam giới vintage giờ đây đang cho thấy khả năng am tường phong cách của chủ nhân. Sự thay đổi này hẳn được bắt nguồn từ những người có tầm nhìn xa trông rộng – vốn không chỉ coi trang phục vintage là món đồ “có thể mặc được”, mà xa hơn là “có giá trị cao”.

Bob Melet, chủ sở hữu Melet Mercantile tại Los Angeles, là người tiên phong trong công cuộc khôi phục hình ảnh trang phục vintage. Không như các tay buôn thời xưa – thường chào mời mớ đồ hổ lốn mà họ bắt gặp dọc đường – Melet chỉ cung cấp các mặt hàng “không chỉ là hàng may mặc”. Năm 1993, khi ông trưng bày các trang phục quý hiếm của người Tây phương và Mỹ bản địa tại buổi triển lãm đồ cổ thì Ralph Lauren đã đến mua toàn bộ lô hàng và bày bán các sản phẩm vintage này trong chính cửa hàng của mình trên Đại lộ Madison.

Những trang phục từ Cassie Mercantile

Graham Cassie, người đã dẫn dắt các nhà thiết kế của Ralph Lauren trong chuyến nghiên cứu tại Anh, đã tận dụng năng lực chuyên môn và mở cửa hiệu Cassie Mercantile tại Luân Đôn, nơi bạn có thể tìm thấy những chiếc áo thun quân đội cực hiếm, cho đến chiếc áo sweater từng được mặc bởi Ernest Shackleton trong chuyến thám hiểm Nam Cực.

Trong khi đó, Seth Weisser và Gerard Maione, đồng sáng lập của thương hiệu What Goes Around Comes Around tại New York và Beverly Hills, đã cùng săn lùng những sản phẩm giới hạn của các nhà mốt danh tiếng như Louis Vuitton, Hermès, những chiếc áo thun đậm chất rock hay chiếc áo khoác biker bụi bặm.

Sean Crowley, người từng trải qua 11 năm gắn bó với Ralph Lauren, đã tìm đến Brooklyn và mở Crowley Vintage. Ông chia sẻ: “Theo tôi, nếu chỉ chăm chăm vào khái niệm ‘xa xỉ’ thôi thì thật là vô nghĩa. Với những sản phẩm vintage, đây là cuộc săn lùng chứ không dừng lại ở việc ‘đủ khả năng chi trả’. Vintage đã trở thành một khái niệm thể hiện mức độ xa xỉ tột đỉnh, bởi trong những món đồ đó ẩn chứa những dấu ấn và giá trị riêng”.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)