Người ta thường bảo rằng trang phục làm nên quý ông, mà vải vóc lại là thứ tạo thành trang phục, điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của các sợi vải. Có hằng hà sa số những loại vải, nhưng chỉ rất ít trong số đó thuộc tầm xa xỉ với vải mềm mại, bóng mượt, ấm áp và cực kỳ quý hiếm, có giá thành rất đắt trên thị trường. Những người thợ vải khéo léo đã dành hàng ngàn giờ lao động trong nhiều thế kỷ, dựa trên các chất liệu quý hiếm để làm ra những loại vải này. Trong số đó, vải cotton Ai Cập thường được xem là loại vải đẳng cấp nhất, ngoài ra len merino và cashmere cũng là những loại vải hiếm gặp. Hãy lựa chọn những trang phục được may từ các loại vải vóc này, mặc chúng một cách đầy kiêu hãnh.
1. Baby Cashmere
Từ: Mông Cổ, Trung Quốc
Người ta xem len cashmere như vua của các loại vải, tuy rằng không phải len cashmere cũng được tạo ra theo cách thức tương tự như len. Loro Piana là nhà sản xuất vải hàng đầu của Italia, đã sáng tạo ra một loại cashmere đặc biệt được dệt từ lớp lông tơ của loài dê non Hircus từ Mông Cổ và phía bắc Trung Quốc. Loro Piana trích xuất sợi vải từ những con dê – chỉ duy nhất một lần trong đời chúng – thông qua một quy trình vô trùng tỉ mỉ. Mỗi con dê sẽ thu về được 80g sợi và số sợi này sau khi chọn lọc lại chỉ dùng được khoảng từ 30-40g. Số sợi dùng được này rất tốt và chỉ dày có 13µm (micrômét) so với 14,5µm của cashmere truyền thống, cho nên chúng tạo ra loại vải mềm hơn 20% so với cashmere thông thường.
2. Len vicuña
Từ: Trung tâm dãy Andes, Nam Mỹ
Len vicuña được tạo ra từ loài vicuña một họ của lạc đà không bướu và nó được gọi là “sợi tơ của Chúa Trời”. Những người thợ dệt đã dệt lông từ vai và cổ của lạc đà vicuña. Đã từng có một thời gian dài, quy trình này chỉ được truyền lại độc quyền trong dòng dõi hoàng gia Inca. Mãi sau này nó mới được phổ biến nhiều hơn ở tầng lớp quý tộc. Chính bởi vậy, trong thế kỷ 20, lạc đà vicuña đã bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng. Chỉ mới đến gần đây thôi, số lượng của giống loài này mới được phục hồi đủ cho việc lấy lông. Việc lấy lông lạc đà vicuña tốn rất nhiều thời gian; đó là chưa kể nhiều con lạc đà vicuña sẽ nhịn đói cho tới chết khi bị giam giữ. Thế nên, các quốc gia đã nhiều quy định nghiêm ngặt về việc lấy lông để đảm bảo cho việc bảo tồn loài lạc đà vicuña quý hiếm này. Một con lạc đà vicuña chỉ cho ra 500g len mỗi năm và chỉ có thể lấy lại lông 2 năm sau đó. Với 500g này thì không đủ để sản xuất một cái khăn choàng cổ. Thế nhưng người ta vẫn vất vả đầu tư vào loại len này, cũng bởi len vicuña là loại sợi tốt nhất, ấm nhất và nhẹ nhất trên thế giới. Giờ đây, chỉ có ba công ty trên thế giới có quyền kiểm soát đối với len vicuña, trong đó có hãng thời trang cao cấp của Italia là Kiton. Một bộ com-lê từ len vicuña sẽ có giá ít nhất là 50.000 đô-la Mỹ và không được sản xuất đại trà; len vicuña ít phản ứng với bột nhuộm hoá học và sẽ giữ lại màu tự nhiên của nó, cho nên mỗi súc len vicuña đều có một sắc màu độc nhất, đảm bảo sự độc đáo và cá tính của những sản phẩm làm ra từ loại len này.
3. Len shahtoosh
Từ: Nepal, Ấn Độ
Theo tiếng Ba Tư Len shahtoosh nghĩa là vua của các loại len thượng hạng, một đối thủ của len vicuña, được dệt từ lông tơ của linh dương Tây Tạng. Giống như len vicuña, len shahtoosh cũng thuộc hàng thượng hạng với độ dày 9µm, mỏng hơn nhiều so với len vicuña dày tới 12µm. Việc làm ra len shahtoosh khó khăn hơn nhiều so với len vicuña. Vì lạc đà vicuña vẫn còn được chăm sóc tốt, còn linh dương Tây Tạng thì đang trên bờ tuyệt chủng bởi vấn nạn săn trộm, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp mỏ ở Nepal. Nhiều quốc gia đã cấm sở hữu và buôn bán len shahtoosh, nhưng việc kinh doanh loại len này vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Len shahtoosh thường được dệt thành những tấm khăn choàng cao cấp có giá từ 5.000 đô-la Mỹ. Chỉ những thợ dệt hàng đầu của vùng Kashmir mới có đủ trình độ để sản xuất ra loại khăn choàng cao cấp này.
4. Denim Nhật Bản
Từ: Nhật Bản
Đất nước mặt trời mọc là quê hương của một loại vải tuyệt hảo, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Đó chính là vải denim Nhật Bản – loại vải rất nổi tiếng với những người hâm mộ denim. Ngay từ khâu sản xuất, loại vải denim này đã mang trong mình tính thẩm mỹ rất cao. Những người thợ vải sử dụng màu nhuộm tự nhiên và khung cửi cũ để tạo ra các thớ vải có viền, biến vải denim Nhật Bản thành một tạo tác nghệ thuật hoàn chỉnh.
Dây chuyền sản xuất vải denim Nhật Bản được đặt tại thị trấn Kojima thuộc tỉnh Okayama, là nơi Japan Blue Group đặt trụ sở. Công ty này chính là nhà cung cấp vải denim cho Louis Vuitton và Gucci, ngoài ra họ còn tự sản xuất đồ jean mang nhãn hiệu Momotaro. Quần jean mang nhãn hiệu G001-T Gold Label Momotaro là một sản phẩm điển hình của nghệ thuật làm vải denim. Sản phẩm này được sản xuất hoàn toàn thủ công bằng màu chàm tự nhiên lấy từ cây chàm quả cong, khiến màu vải đen dần theo thời gian. Với sự tinh tế trong khâu sản xuất như vậy, không ngạc nhiên khi giá thành của vải denim Nhật Bản rơi vào tầm khoảng 2.000 đô-la Mỹ.
5. Diamond Chip
Từ: Anh Quốc
Thừa hưởng truyền thống Savile Row, những xưởng dệt Anh Quốc tiếp tục sản xuất ra các loại vải cao cấp nhất trên thế giới. Trong những xưởng dệt có lịch sử lâu đời trải qua nhiều thế kỷ này, Scabal có lẽ là nơi sản xuất ra nhiều loại vải độc đáo nhất. Otto Hertz sáng lập xưởng vào năm 1938 và cho ra đời Diamond Chip, loại vải được dệt thành từ những mảnh vụn của kim cương pha trộn với len Super 150s và lụa. Diamond Chip đẹp đằm thắm, cao quý và muôn phần lấp lánh. Ngoài ra, Scabal còn tạo ra nhiều loại vải tuyệt vời khác, bao gồm cả len trộn với vàng 24k, bạch kim hoặc đá lapis lazuli, lụa làm từ cây Kapok, len merino có hương hoa lan. Đây cũng là một trong số ít những công ty có khả năng tiếp cận với len vicuña, một chất liệu quý hiếm.
6. Cervelt
Từ: New Zealand
Loài hươu đỏ của New Zealand đã chống lại những cơn gió lạnh giá từ Châu Nam cực thổi về bằng cách phủ lên mình một bộ lông mỏng và mềm mại. Những thớ sợi được trích ra từ bộ lông này được gọi là cervelt – cũng chính là đối thủ của len cashmere về độ mềm mại. Cervelt là loại vải chủ đạo của những thợ may chuyên nghiệp, đặc biệt là những thợ may người Ý như Mariano Rubinacci ở Naples. Mỗi chú hươu đỏ chỉ cho ra 20g cervelt từ bộ lông của mình. Mức độ quý hiếm của Cervelt ảnh hưởng rất lớn lên giá cả của chúng, có thể thấy rõ điều đó qua một minh chứng cụ thể: trong năm 2014, hãng Harry’s of London chỉ bán ra một số lượng hạn chế 100 đôi tất làm từ cervelt; mà giá của mỗi đôi lên tới 1.500 đô-la Mỹ.
7. Lụa hoa sen Burma
Từ: Myanmar
Đất nước vừa thoát khỏi sự cô lập này có một sản phẩm độc đáo là lụa hoa sen, hay còn được gọi là kyar chi, tương tự một loại vải được phát triển và sản xuất độc lập ở Tonle Sap, Cam-pu-chia. Người Myanmar đã sáng tạo ra loại vải này một cách hoàn toàn tình cờ khoảng một thế kỷ về trước. Khi một cô gái hái hoa sen trong hồ để dâng lên Đức Phật, cô ấy thấy một dải sợi từ vết cắt trên thân cây hoa sen và quyết định sẽ dệt nó thành một tấm áo choàng cho những vị cao tăng. Công việc này của cô đã được người dân Myanmar kế thừa cho đến tận ngày hôm nay, tại một địa điểm mang tên Hồ Inle. Việc tạo ra kyar chi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, cho nên chúng rất hiếm gặp và được Loro Piana ca ngợi “là len vicuña từ thực vật, viên ngọc cuối cùng được tìm thấy trong thế giới vải vóc”.