Theo chân Hyundai, một hãng xe khác của Hàn Quốc là Kia cũng bước chân vào thị trường Mỹ vào năm 1993 với sản phẩm đầu tay là chiếc Sephia và sau đó là Kia Sportage. Năm 1998, Hyundai thâu tóm Kia nhưng vẫn giữ nguyên chính sách tiếp thị và bán hàng theo kiểu độc lập cho đến tận ngày nay.
Từ kinh nghiệm của hai “đồng hương” châu Á là Toyota và Honda, Hyundai cũng thành lập xưởng sản xuất tại Mỹ vào năm 2005 trong khi Kia mở nhà máy tại bang Georgia vào năm 2010. Năm 2006, Hyundai “gây sốc” khi chiêu mộ Peter Schreyer từ Audi về đảm nhiệm vai trò trưởng bộ phận thiết kế của thương hiệu. Hiện tại, Schreyer giám sát mảng thiết kế cho cả Hyundai lẫn Kia. Chính ông là người tạo ra sự khác biệt cho các mẫu xe của Kia và góp phần đem lại thành công như ngày nay cho thương hiệu Hàn Quốc. Ngoài ra, thành công của ngành công nghiệp xe hơi xứ Kim Chi còn đến từ nỗ lực chứng minh chất lượng sản phẩm nhằm xóa bỏ những định kiến về “Xe Hàn”.
Thành công to lớn và vị thế vững chắc giúp Hyundai trở nên tự tin và tham vọng hơn. Họ lập nên thương hiệu xe sang mang tên Genesis để cạnh tranh với các ông lớn châu Âu. Với thiết kế chỉn chi và nội thất hoa mỹ, Genenis G80 và G90 được kỳ vọng sẽ bắt kịp những BMW 7 Series, Mercedes S-Class hay đồng hương Lexus LS. Ngoài ra, Hyundai và Kia còn chú trọng vào mảng xe lai hợp và xe điện theo đúng xu thế của ngành xe hơi. Tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng 2018 vừa diễn ra tại Mỹ, Kia không chỉ hứa hẹn ra mắt dòng xe tự lái cấp độ 4 trước năm 2021, mà còn tung ra mẫu xe concept Niro với khả năng kết nối 5G – tối tân hơn cả công nghệ mới nhất hiện nay.
Về bán hàng, cả Hyundai lẫn Kia đều đạt doanh số gấp đôi nhiều “ông lớn” của Đức. Còn tại Việt Nam, tuy không có số liệu chính thức nhưng nhiều người tin rằng, doanh số của chiếc Hyundai i10 vẫn đang dẫn đầu thị trường trong suốt mấy năm qua.